14:07 - 06/05/2022
Trao đổi về hiện trạng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Bà Trương Thị Chí Bình – Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết: “Việt Nam có ngành công nghiệp hỗ trợ sinh sau để muộn, không có truyền thống lâu đời như các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, các nước ASEAN khác do chịu nhiều thiệt hại chiến tranh, chính sách phát triển chưa phù hợp ở giai đoạn trước; mặt khác quy mô thị trường không lớn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Nền kinh tế kế hoạch, bao cấp kéo dài hàng thập kỷ đã dẫn đến hệ quả là Việt Nam không có được nền tảng vững chắc về mặt tư duy, đào tạo cho hoạt động sản xuất linh kiện phụ trợ. Việc thiếu và yếu về mặt tư duy quản lý, kinh nghiệm sản xuất hàng công nghiệp chất lượng cao là một trong những rào cản của doanh nghiệp Việt Nam khi bước vào sân chơi quốc tế.”
Ngược về quá khứ, vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi hoạt động kinh tế tư nhân đang là một ngành “bị xa lánh” ở Việt Nam, nhiều kỹ sư làm việc tại đơn vị nhà nước, vì muốn phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình đã mở xưởng sản xuất “chui”. Mở ra rồi lại bị đóng, rồi lại tiếp tục mở, bị ngăn cấm, cản trở, khó khăn đủ bề… là câu chuyện đầy hoài niệm về thời kỳ bao cấp mà người viết có dịp được lắng nghe từ những vị giám đốc lứa tuổi 50, 60. Ảnh hưởng của giai đoạn khó khăn đó, cũng như tư duy lối mòn, quan liêu của “công ty nhà nước” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của một số doanh nghiệp cho đến hiện tại.
“Tuy nhiên, thực trạng này cũng đang dần có sự thay đổi khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp được thành lập bởi những giám đốc có kinh nghiệm học tập, làm việc tại nước ngoài hoặc các công ty FDI tại Việt Nam” – Ms. Bình nhận xét.
Sự tham gia của các doanh nghiệp FDI, trong đó có nhà cung cấp của các hãng vừa là khách hàng, vừa là đối thủ cạnh tranh về thị trường, nguồn lao động, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sản xuất hàng đại trà sang sản xuất linh kiện công nghiệp của doanh nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp FDI còn là môi trường đào tạo rất tốt. Mặc dù thực tế nhiều nhân sự Việt Nam sau khi trưởng thành tại các công ty FDI lại nghỉ việc chuyển sang công ty khác hoặc tự thành lập công ty là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận hệ quả tích cực mang lại chính là đội ngũ nhân sự chất lượng tốt này đã tạo ra làn gió mới cho ngành công nghiệp chế tạo địa phương.
Không nói quá khi tới quá nửa giám đốc doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành lập từ khoảng năm 2005 trở lại đây xuất thân từ các công ty FDI, đặc biệt là không ít trường hợp có thời gian làm việc lâu dài tại công ty Nhật Bản. Hiện tại, những đơn vị này lại tiếp tục trở thành nhà cung cấp của các công ty nước ngoài, hình thành vòng xoắn ốc phát triển giúp thúc đẩy sự đi lên của công nghiệp chế tạo Việt Nam. Khi đến thăm nhà máy của một số doanh nghiệp Việt Nam, tác giả chắc chắn rằng kể cả các doanh nghiệp Nhật cũng sẽ rất ngạc nhiên vì sự đầu tư bài bản của các đơn vị này. Hàng loạt thiết bị sản xuất, gia công hiện đại, nhà xưởng quy chuẩn theo tiêu chuẩn Nhật Bản, châu u, sản xuất ra các sản phẩm có độ chính xác lên đến phần nghìn…
Đọc bản đầy đủ của bài viết bằng tiếng Nhật tại link sau: Tạp chí Emidas số tháng 5/2021
https://issuu.com/ncnetworkvn/docs/emidas17_low
06/05/2022
Tin chuyên ngành06/05/2022
Tin chuyên ngành