Banner Module

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Phần 2 Đặc điểm các ngành công nghiệp mũi nhọn

14:06 - 06/05/2022

Đi sâu tìm hiểu, chúng ta nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa các ngành công nghiệp mũi nhọn tại Việt Nam. 
1, Xe máy: Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về dung lượng thị trường xe máy với tỷ lệ người mua xe máy mới cao hàng đầu thế giới. Sản lượng như vậy là quá hấp dẫn đối với các nhà sản xuất, bởi dễ dàng đạt được hiệu quả do sản xuất hàng loạt mang lại. Khi thực hiện nội địa hóa thì không khó thu hút được các nhà cung cấp với chuỗi cung ứng có sự chuyên môn hóa và chuyên nghiệp cao ở mỗi khâu. Chuỗi cung ứng hình thành do nhu cầu và thuận lợi của thị trường mang lại, không đòi hỏi phải có chính sách phát triển đặc biệt nào từ phía nhà nước. Thực tế, tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực xe máy đã đạt đến trung bình hơn 80%, nhiều công ty Việt Nam đã trở thành ông lớn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng xe máy, trở thành nhà cung cấp cấp 1 của các hãng xe máy Honda, Yamaha, Piaggio… như Cosmos, Legroup, Mạnh Quang…
2, Ô tô: Ngành công nghiệp ô tô có điều kiện phát triển hoàn toàn khác so với ngành xe máy. Nhiều hãng ô tô nổi tiếng thế giới đều có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam như Honda, Toyota, Mazda (lắp ráp tại THACO), Hyundai, KIA, Ford… Dù dung lượng toàn thị trường gần đây đạt tới 200,000 xe/năm thì với hàng chục loại xe được lắp ráp tại Việt Nam, sản xuất linh kiện mỗi loại cũng chỉ có thể đạt sản lượng một, hai chục ngàn chiếc/năm. Sẽ rất khó cho bất kỳ tính toán đầu tư sản xuất nào khi sản lượng quá nhỏ. Chi phí đầu tư về thiết bị, nhân lực, hệ thống quản lý đòi hỏi cao hơn nhiều so với sản xuất các loại linh kiện xe 2 bánh, vì vậy dù có các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất hay các chính sách thu hút hỗ trợ khác cũng không đủ lực đẩy để chuỗi cung ứng linh kiện ô tô phát triển. 
    Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có hơn 300 doanh nghiệp cung ứng linh kiện trong lĩnh vực ô tô, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Hơn nữa, các linh kiện quan trọng cấu thành đa số nhập từ nước ngoài. Gần đây, các hãng ô tô cũng chú trọng vào việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, khi bỏ nhiều công sức để hỗ trợ về kỹ thuật, quản lý, cải tiến nhà xưởng cho các nhà cung cấp địa phương, và kết quả là đã có một số ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng ngành ô tô như Công ty Nhựa Hà Nội (linh kiện nhựa), Công ty Legroup (linh kiện dập)… nhưng số lượng doanh nghiệp và loại linh kiện nội địa hóa vẫn còn rất khiêm tốn.
3, Linh kiện điện tử: Linh kiện điện tử cũng đang rất nổi khi thu hút được đầu tư FDI với vốn hàng tỷ USD, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Tuy nhiên, do có nhiều ưu đãi về đất đai, hạ tầng, thuế thu nhập ở khâu lắp ráp, nhân công giá rẻ, lại không có hàng rào thuế quan khi nhập khẩu linh kiện, nhu cầu phát triển sản xuất linh kiện tại chỗ (thường phải mất nhiều thời gian) trở nên không bức thiết. Chính vì vậy, hiện có rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất linh kiện điện tử, chỉ có một vài cái tên tiêu biểu như 4P, Thanh Long Electronics, Vietronics…
4, Thép: Phát triển công nghiệp thép là một mong mỏi có từ rất sớm của các nhà hoạch định chính sách công nghiệp nặng. Tuy nhiên, kết quả của nhiều năm phát triển ngành thép là một năng lực dư thừa sản xuất thép xây dựng, mà không có bất cứ một sản phẩm thép chế tạo nào. Trong khi đó, nhìn sang các nước lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản – vốn đi sau Việt Nam về công nghiệp thép, về quy mô ngành nhưng các nước này không chỉ đáp ứng được thị trường trong nước mà còn xuất khẩu rất nhiều. Việt Nam hiện cũng đang nhập khẩu thép chế tạo chủ yếu từ các quốc gia này.
5, Gia công: Xét theo khía cạnh phân loại gia công, hiện nay tại Việt Nam đã có thể đối ứng được hầu hết các loại hình gia công từ dễ đến khó. Loại hình gia công tập trung doanh nghiệp đông đảo nhất có thể kể đến như ép nhựa, gia công cơ khí (phay, tiện), dập, kim loại tấm, khuôn mẫu (trừ khuôn dập chính xác), đồ gá, thiết bị tự động hóa… Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực gia công này đã có sự phát triển cao cả về kỹ thuật và quản lý, chất lượng sản phẩm không thua kém các doanh nghiệp nước ngoài. Ngược lại, một số lĩnh vực như sơn mạ, xử lý nhiệt, linh kiện điện tử, hoặc các linh kiện gia công kích thước siêu nhỏ, độ cứng cao có rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể đối ứng được, đây vẫn là “sân chơi” mà các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế áp đảo. 

Đọc bản đầy đủ của bài viết bằng tiếng Nhật tại link sau: Tạp chí Emidas số tháng 5/2021 
https://issuu.com/ncnetworkvn/docs/emidas17_low

Đối tác