Banner Module

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Phần 1 Lịch sử ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

14:04 - 06/05/2022

Ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được nhen nhóm từ những năm đầu thế kỷ 20 khi thực dân Pháp đô hộ và biến Đông Dương trở thành thuộc địa sản xuất. Thời điểm đó, người Pháp đã xây dựng một số cơ sở công nghiệp khai khoáng, cơ khí, công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp nhẹ và đã cung cấp một số sản phẩm và kỹ thuật mới như: điện, xi măng, diêm, bia, xà phòng, thuốc lá, thuỷ tinh, ô tô, xe đạp, tàu điện, tàu hoả, các sản phẩm cơ khí... 

Sau khi thiết lập được chính quyền tại Việt Nam, Pháp cũng đã thiết lập chế độ bảo hộ mậu dịch, dựng hàng rào thuế quan và áp dụng một số độc quyền có lợi cho hàng hoá Pháp. Nền kinh tế xuất hiện một số kỹ thuật có thể coi là hiện đại vào thời kỳ đó tạo ra năng suất mới trong sản xuất và đời sống như kỹ thuật khai thác hầm mỏ, kỹ thuật chế biến lâm sản, tốc độ và chất lượng của giao thông liên lạc, kỹ thuật và chất lượng xây dựng…    

Năm 1945, nước Việt Nam đón Quốc khánh đầu tiên, nhưng lại bắt đầu bước vào giai đoạn chiến tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà mới. Toàn bộ nền kinh tế trong đó có công nghiệp ngưng trệ do chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ đều ngừng phát triển, thậm chí suy thoái. 
    

Sau ngày đất nước thống nhất vào năm 1975, Việt Nam tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa với mục tiêu nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp. Được sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam đã tập trung đầu tư vào ngành công nghiệp nặng, công nghiệp điện tử với các sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu sang Liên Xô và các nước Đông  u. Nhiều kỹ sư của Việt Nam được cử sang đào tạo tại Liên Xô, Đông  u đã đặt nền móng đầu tiên cho ngành công nghiệp Việt Nam với sự hình thành các công ty nhà nước, và các tổ hợp cơ khí, khai thác khoáng sản, luyện thép, sản xuất giấy… lớn tại Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ…     

Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch kéo dài đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp khó khăn vào những năm thập niên 80. Bắt buộc Việt Nam phải tiến hành chính sách ĐỔI MỚI vào năm 1986 để chuyển hướng sang mô hình kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Kinh tế vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong 5-6 năm đầu, nhưng nền kinh tế vĩ mô dần ổn định từ đầu những năm 1990. Ngành công nghiệp Việt Nam đã có những sự thay đổi mạnh mẽ và trở thành lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, 

Tính đến năm 2020, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 33.72% trong cơ cấu nền kinh tế, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu bao gồm: khoáng sản (than đá, dầu mỏ thô, khí đốt), thực phẩm chế biến (thủy hải sản…), hàng dệt may, thép xây dựng, điện thoại di động, xe máy… Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Điện thoại và linh kiện (chiếm 18.08%), sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện (chiếm 15.87%), hàng dệt may (chiếm 10.47%), giày dép (chiếm 5.88%)…    

Lĩnh vực sản xuất linh kiện (hay chuỗi cung ứng linh kiện) của Việt Nam chính thức được định hình và phát triển từ những năm 90, khi những doanh nghiệp chế tạo FDI đầu tiên của Nhật Bản, Đài Loan đầu tư vào Việt Nam. Nhà máy sản xuất xe máy đầu tiên của SYM được khánh thành vào năm 1992, tiếp theo đó là nhà máy của Honda được khánh thành vào năm 1998 là mở đầu cho sự ra đời của chuỗi cung ứng linh kiện xe máy, với sự tham gia của hàng loạt các doanh nghiệp FDI vệ tinh, kéo theo đó là sự gia nhập của các nhà cung cấp cấp 3,4… của địa phương. Với lợi thế nhân công giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư, Việt Nam tiếp tục thu hút được nhiều ông lớn trong các lĩnh vực ô tô, điện gia dụng, và những năm gần đây là điện tử, điện thoại di động nối đuôi nhau đầu tư vào Việt Nam. Sự tham gia của các hãng sản xuất, kéo theo đó là các nhà cung cấp FDI cũng là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành của các doanh nghiệp chế tạo vừa và nhỏ Việt Nam. Doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật là cái nôi đào tạo kỹ thuật, cách thức làm việc cho nhân sự Việt Nam. Nhiều kỹ sư “tốt nghiệp” từ doanh nghiệp FDI đã tự mở công ty riêng và phát triển doanh nghiệp ngày một lớn mạnh, dần dần trở thành trụ cột của ngành công nghiệp chế tạo địa phương. 

Đọc bản đầy đủ của bài viết bằng tiếng Nhật tại link sau: Tạp chí Emidas số tháng 5/2021 https://issuu.com/ncnetworkvn/docs/emidas17_low
 

Đối tác